Lấy tiền mừng tuổi tự đầu tư cổ phiếu, 1 tháng sau mua được đôi giày bóng rổ xịn: Các chuyên gia chứng khoán dạy con về tư duy tài chính ra sao?
Theo các chuyên gia, dạy trẻ đầu tư là dạy trẻ về tư duy tích sản và tiêu sản, đầu tư dài hạn.
Ngày quốc tế thiếu nhi 01/06 hàng năm là dịp các bạn nhỏ luôn háo hức đón chờ để được tặng những món đồ chơi mới. Tuy nhiên, liệu đồ chơi, quần áo có còn là những món quà phổ biến cho trẻ trong thời đại hiện nay?
Tại Hàn Quốc, thay vì những món đồ chơi như búp bê hay robot, nhiều phụ huynh lại tặng cho con những mã cổ phiếu có thể sinh lời lâu dài. Những bậc phụ huynh này cho rằng việc cho con trẻ tiếp xúc với thị trường chứng khoán sẽ tạo nên tư duy tài chính và tích luỹ sau này. Chính vì vậy, thay vì mua món đồ chơi, họ sẽ hỏi con thích mua cổ phiếu gì, thích công ty nào để có thể xây dựng thói quen tích tiểu thành đại.
Tại Việt Nam, dạy hay cho con về đầu tư chứng khoán vẫn còn là điều khá hiếm và thường chỉ những chuyên gia trong ngành mới thực hiện. Trong talkshow Bí mật đồng tiền số 23 phát sóng trên VTV Digital với chủ đề Đầu tư từ thủa còn thơ có đề cập đến vấn đề này.
Chương trình có lấy ví dụ về chuyên gia tài chính Phan Lê Thành Long dạy con cách đầu tư chứng khoán để đạt được mục tiêu cá nhân. Chuyện là cậu bé con ông Long vốn đam mê bóng rổ. Với một học sinh cấp 2 muốn mua một đôi giày có thương hiệu mà không phải xin tiền bố mẹ là khá khó bởi ở lứa tuổi này hiếm có học sinh nào đã đi làm và kiếm ra tiền.
“Một đôi giày bóng rổ có thương hiệu rất là đắt tiền, tiền mừng tuổi của cháu không đủ. Rất may vào thời điểm năm 2018, cháu lấy tiền mừng tuổi đi đầu tư. Sau khoảng 1 tháng cháu đạt được mục tiêu của mình, tiền lãi và tiền gốc đủ để mua một đôi giày bóng rổ thật xịn. Cháu đã bán cổ phiếu đấy đi và mua được đôi giày mà mình mong muốn. Đấy cũng là một bài học. Điều quan trọng với một đứa trẻ hiểu được rằng khoản đầu tư của mình có khả năng sinh lãi nên nếu như mình có những lựa chọn đúng đắn”, chuyên gia Phan Lê Thành Long chia sẻ.
Theo ông Long, dạy trẻ đầu tư là dạy trẻ về tư duy tích sản và tiêu sản, đầu tư dài hạn. Thay vì tích lũy tài sản để dành cho con, hai vợ chồng chuyên gia này có cách làm khác với những bậc phụ huynh thông thường.
“Lựa chọn một công ty mà 18 năm sau chúng tôi nghĩ rằng các công ty vẫn còn tồn tại và phát triển mạnh mẽ. Chúng tôi dành một khoản tiền cho 2 cháu mỗi cháu một khoản tiền để mua một lượng cổ phiếu nhất định và để đó cho đến năm 18 tuổi. Đấy là cách thay vì tiết kiệm bỏ ống hay đút lợn như cách cha mẹ truyền thống thường làm hoặc đi mua bảo hiểm thì chúng tôi quyết định lựa chọn mua cổ phiếu. Và hy vọng rằng đến năm 18 tuổi các cháu sẽ có một khoản tiền tương đối đáng kể để có những hoạt động mong muốn như đi du học, thậm chí cổ phiếu đó giữ đến năm 25 tuổi có thể đủ tiền mua nhà”, ông Long cho biết.
Thế nhưng đại đa số mọi người vẫn có tâm lý trẻ em không nên biết đến tiền sớm bởi sẽ dẫn tới mất tập trung trong học. Họ cho rằng biết kiếm tiền sớm, trẻ em sẽ chán học và trở nên thực dụng, thích kiếm tiền.
Nhận định về quan điểm này, ông Phạm Lưu Hưng- kinh tế trưởng công ty chứng khoán SSI cho rằng một đứa trẻ có rất nhiều thời gian, bên cạnh chơi còn có học, chơi game các thứ nữa nên các hoạt động nghiên cứu trong hoạt động tài chính nói chung và đầu tư nói riêng chỉ là một phần.
“Riêng với trường hợp của tôi, thời gian nghiên cứu các vấn đề liên quan đến đầu tư thì các cháu không dành quá nhiều trong một ngày và tôi cũng chưa thấy ảnh hưởng gì đến việc học tập. Và chúng ta cũng phải thấy rằng trong hệ thống giáo dục của Việt Nam phần đào tạo về hiểu biết về mặt tài chính không có nhiều. Nên tôi coi việc nói chuyện với con hàng ngày, nói chuyện về vấn đề đầu tư hay tài chính là một phần của giáo dục con về tài chính”, ông Hưng đồng tình với cách dạy con về tài chính của ông Long.
"Bất cứ đứa trẻ nào sau khi lớn lên đều phải đối diện với thế giới của nó và tài chính cũng là một vấn đề rất quan trọng. Do đó khó có thể nói rằng tính cách nào là phù hợp với việc đầu tư tài chính. Tất cả đều phù hợp. Cái chính là chúng ta sẽ chọn sản phẩm đầu tư tài chính nào phù hợp với bản thân. Có những đứa trẻ sẽ thích tự đầu tư, có những đứa trẻ con đam mê khác thì có thể uỷ thác cho người khác đầu tư như công ty quản lý quỹ.
Về những đứa con của tôi, nếu nói về 3 tính cách mà tôi có thể cảm thấy trở thành nhà đầu tư được là cả 2 đứa đều rất thích lịch sử. Không cần phải ép thì cả 2 đứa đều có khả năng tìm hiểu các thông tin về lịch sử trên mạng. Cháu rất thích bộ môn đó. Từ đó 2 đứa đều có khả năng tìm kiếm thông tin rất tốt, chỉ cần nói qua về bất cứ chủ đề gì thì các cháu đều có thể tự tìm kiếm thông tin trên mạng và tự nghiên cứu được. Đó cũng là tính cách tốt. Cái thứ 3 như Peter Lynch đã nói là tất cả các kiến thức toán học cho đầu tư chỉ cần đến toán lớp 4 thôi. Tôi thấy cả 2 đứa đều qua được lớp 4 rồi nên đủ để đầu tư", ông Hưng chia sẻ thêm.
Mộc An (theo Nhịp sống kinh tế)
Bài viết mới
Các bài viết khác
- Muốn làm nên nghiệp lớn, tiên quyết không phải có tiền mà phải có gan
- 5 bí quyết đầu tư để trở nên giàu có
- 13 thói quen giúp bạn giàu lên nhanh chóng
- 8 niềm tin của những người thành công xuất sắc
- 6 bí quyết đầu tư của 'thần chứng khoán' Warrent Buffett giúp bạn tiết kiệm được 10 năm đi vòng: Thành công không chỉ nằm ở 2 chữ 'lãi kép'
- Công thức làm giàu của 'thần chứng khoán' Warren Buffett: Hoá ra chỉ cần áp dụng 3 thói quen đơn giản nhưng không phải ai cũng đủ kiên trì
- 5 kênh youtube về kinh doanh và khởi nghiệp đáng theo dõi
- 5 logic nền tảng của người giàu giúp bạn nhanh chóng kiếm được tài phú
- Khởi nghiệp bằng nghề nông: Nên bắt đầu từ đâu?
- Từng bỏ việc không có kế hoạch, cô gái 27 tuổi kiếm gần 230 triệu một tháng với 5 bí quyết đơn giản
- Tìm hiểu 9 định luật làm giàu của các học giả người Do Thái
- Ông chủ Zomato đã xây dựng kỳ lân tỷ đô như thế nào?
- 7 thói quen tiết kiệm của người Pháp
- Thay đổi 6 thói quen nhỏ để trở nên giàu có
- Chuyên gia Nhật Bản "mách" quy tắc tiết kiệm tiền tỷ ở tuổi 30: Cách kiếm không bằng cách tiêu, bỏ ra một đồng tiền cũng cần tính toán cẩn thận
Tags: Chứng khoán Học làm giàu