Doanh nhân Nguyễn Sơn Hà: Người khởi đầu ngành sơn Việt (Phần 1)
Gia đình doanh nhân Nguyễn Sơn Hà
Nguyễn Sơn Hà - một nhà tư sản Việt Nam đã tạo nên bước đột phá trong ngành sơn Việt Nam, trực tiếp cạnh tranh với tư sản Pháp và tư sản Hoa kiều.
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, trong quá trình khai thác thuộc địa ở Đông Dương, người Pháp đã đem một số ngành công nghiệp, trong đó có ngành sơn vào Việt Nam. Tuy nhiên, người Pháp vẫn tìm cách kìm hãm sự phát triển của các ngành công nghiệp thuộc địa để tránh sự cạnh tranh với công nghiệp chính quốc bằng các biện pháp kinh tế, luật lệ, thuế khóa. Bất chấp những khó khăn ấy, Nguyễn Sơn Hà - một nhà tư sản Việt Nam đã tạo nên bước đột phá trong ngành sơn Việt Nam, trực tiếp cạnh tranh với tư sản Pháp và tư sản Hoa kiều.
XEM NHANH BÀI VIẾT
Khởi nghiệp trong khi làm thuê
Doanh nhân Nguyễn Sơn Hà sinh năm 1894 tại huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây, nay thuộc Hà Nội, trong một gia đình có 7 anh em. Từ nhỏ, Nguyễn Sơn Hà đã học chữ Nho và chữ Quốc ngữ, nhưng đến năm 14 tuổi, sau khi cha qua đời, hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông đã phải bỏ học để đi làm. Từ đó, trách nhiệm chăm sóc gia đình đặt trên vai ông.
Nguyễn Sơn Hà được một hãng buôn của Pháp tuyển vào làm phụ bàn giấy, nhưng lương thấp, ông đã bỏ sang làm cho hãng sơn dầu Sauvage Cottu ở Hải Phòng. Trong thời gian làm việc tại hãng sơn dầu Sauvage Cottu, với mục tiêu tự lập và làm giàu, chỉ trong một thời gian ngắn, Nguyễn Sơn Hà đã học được cách sản xuất sơn, bắt đầu từ phương pháp thủ công, sau đó dần tiếp cận với kỹ thuật hiện đại. Từ đó, ông không ngừng nung nấu ý chí tạo dựng một hãng sơn dầu của người Việt Nam.
Mỗi khi có thời gian rảnh rỗi, ông tìm đọc những cuốn sách về nghề sơn từ tủ sách của nhà chủ. Do sách viết bằng tiếng Pháp, ông phải tìm thầy học thêm tiếng Pháp vào buổi tối. Khi đã nắm vững bí quyết nghề làm sơn và kinh doanh sơn dầu, Nguyễn Sơn Hà quyết định kinh doanh riêng ở tuổi 22, năm 1917. Để có vốn làm ăn, Nguyễn Sơn Hà bán chiếc xe đạp rồi mở một cửa hàng nhỏ chuyên nhận quét vôi, kẻ biển, sơn nhà cửa, đồng thời chế tạo thử sơn dầu ở Hải Phòng. Cùng với mấy anh em trong nhà, Nguyễn Sơn Hà vừa làm chủ, vừa làm thợ.
Một góc kho trong khu nhà máy của Nguyễn Sơn Hà
Công cụ làm sơn chỉ có chiếc cối đá để nghiền bột, sau nhiều lần sản xuất thử thất bại, ông vẫn kiên trì vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Ông tìm những loại nguyên liệu có sẵn trong nước như cây trẩu, cây thầu dầu, nhựa thông... để tạo ra một loại sơn dầu hoàn toàn mới. Sự nỗ lực và kiên trì của anh em Nguyễn Sơn Hà đã được đền đáp: mẻ sơn đầu tiên thành công, được đóng hộp đem ra tiêu thụ với nhãn hiệu Resistanco (Bền chặt) với giá thành rẻ, chất lượng tốt, mau khô, bóng đẹp.
Rồi dần dần, nhiều mẫu sơn hoàn hảo ra đời với các tên gọi Resistanco A, Resistanco B dùng cho sơn xe đạp, Durolac sơn ô tô... Để tạo chỗ đứng trên thị trường, ông đem sơn đến hãng Descous et Cabaud của Pháp để quảng bá. Trước chất lượng không thể chê của sơn Resistanco, hãng Descous et Cabaud đề nghị làm đại lý phân phối. Từ đó, thương hiệu sơn Resistanco của Nguyễn Sơn Hà được tiêu thụ khắp nơi trong nước, bán sang cả Lào, Campuchia. Chất lượng sơn của ông đã chinh phục cả người tiêu dùng Pháp.
Năm 1920, bước sang tuổi 26, từ những thành công ban đầu, Nguyễn Sơn Hà tiếp tục phát triển sự nghiệp. Ông xây dựng một xưởng sản xuất sơn dầu tại Lạch Tray, Hải Phòng với diện tích 7.000m2, mua được máy xay và nhiều phương tiện hiện đại để mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sơn.
Nguyễn Sơn Hà quyết định đặt tên cho hãng sơn của ông là Gecko, với logo có hình con tắc kè xanh cong đuôi bám vào thân cây cổ thụ. Gecko đã đánh dấu sự ra đời của một hãng sơn do người Việt sáng lập và làm chủ công nghệ, đủ sức cạnh tranh với sơn của Pháp và tư bản Hoa kiều, đánh dấu sự trưởng thành của tầng lớp doanh nhân Việt Nam đầu thế kỷ XX.
"Cuộc chiến" trên thương trường Việt Nam đầu thế kỷ XX
Một số dụng cụ được Nguyễn Sơn Hà dùng để nghiên cứu từ ngày đầu khởi nghiệp
Biện pháp kìm hãm công nghiệp thuộc địa phổ biến nhất của thực dân Pháp là đưa hàng hóa vào ngày càng nhiều để lũng đoạn thị trường, lấn át hàng nội. Hàng hóa nhập cảng hầu hết chỉ để tiêu dùng, trong khi máy móc và nguyên liệu cho sản xuất thì người Pháp độc chiếm.
Thiếu vốn, thiếu thiết bị hiện đại, thiếu nguyên liệu đã khiến cho nhiều nhà tư sản Việt Nam không thể tích lũy được nhiều vốn để thuê nhân công mở rộng công xưởng, không thể mua được nhiều tư liệu sản xuất để phát triển. Điều này dẫn đến nhiều nhà tư sản Việt Nam vừa và nhỏ bị phá sản hoặc phải phụ thuộc vào tư bản Pháp để tồn tại.
Thực dân Pháp còn sử dụng tư sản Hoa kiều để chi phối và kiểm soát thị trường thuộc địa Việt Nam. Với sự giúp đỡ của thực dân Pháp, tư sản Hoa kiều mở rộng phạm vi hoạt động, tổ chức kinh doanh thành hệ thống, khép kín. Tư sản Hoa kiều ấn định giá cả, giành quyền phân phối và lưu thông hàng hóa.
Vậy, nhưng vẫn có những cá nhân người Việt thành công trong kinh doanh và đủ sức tạo ảnh hưởng để trực tiếp cạnh tranh với tư bản Pháp và tư bản Hoa kiều. Hãng sơn Gecko của Nguyễn Sơn Hà là một ví dụ điển hình trong cuộc cạnh tranh khốc liệt ấy.
Doanh nhân Nguyễn Sơn Hà hướng dẫn bí quyết làm sơn cho kỹ thuật viên Sở Công nghiệp Hà Nội
Những năm 1930, từ Hải Phòng, hiệu sơn của Nguyễn Sơn Hà dần trở nên nổi tiếng, ngày càng được khách hàng ngoài Bắc trong Nam tín nhiệm. Người Pháp không thể làm ngơ trước sự hưng thịnh của một doanh nghiệp thuộc địa, nhất là khi sản phẩm của hãng sơn Gecko ngày càng được ưa chuộng và phổ biến rộng khắp. Chất lượng và uy tín của sơn Gecko trở thành mối đe dọa đối với ngành công nghiệp sơn của Pháp. Để ngăn chặn sự hưng thịnh của hãng sơn Gecko, thực dân Pháp và tư bản Pháp, tư bản Hoa kiều đã bắt tay nhau nhằm làm cho Nguyễn Sơn Hà phá sản.
Đầu tiên là họ vu cáo Nguyễn Sơn Hà buôn lậu. Tiếp đó là lấy cớ một mẻ dầu của ông không may bốc cháy để bắt ông dọn ra ngoại ô Hải Phòng. Khi nhà máy mới được xây dựng xong, công việc kinh doanh vừa vào nề nếp, viên đốc lý Hải Phòng lại ra lệnh "đóng cửa ngay nhà máy vì gây ô nhiễm môi trường" (trong khi địa điểm xây dựng nhà máy do viên đốc lý này giới thiệu). Dù phải đối mặt với những thủ đoạn vu khống hòng bóp chết hãng sơn Gecko, song bằng kinh nghiệm, bằng sự khôn khéo và quan hệ tốt với các luật sư, được người Việt ủng hộ, Nguyễn Sơn Hà lần lượt vượt qua mọi thử thách.
Sau thế chiến thứ hai, Nguyễn Sơn Hà bỏ thêm vốn, mở rộng xưởng, tăng sản lượng sơn, đưa Resistanco trở thành thương hiệu sơn nổi tiếng của người Việt, có đại lý độc quyền ở Phnom Penh, Bangkok và cả trên đất Pháp.
Thanh An (theo Doanhnhansaigon)
Các bài viết khác
- 7 bài học làm việc hiệu quả dành cho doanh nhân
- Đặt cược vào năng lượng xanh, tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani trở thành người giàu nhất châu Á
- Forbes Under 30 Asia 2022: Nhà thiết kế chế tạo vải từ vỏ hải sản và bã cà phê
- Cuộc dấn thân định mệnh của "Vua gạch không nung" Đinh Hồng Kỳ
- Cú "lội ngược dòng" của tỷ phú tự thân giàu nhất Hàn Quốc
- Thuật dùng người của tỷ phú dầu mỏ Charles Koch
- "Vua lẩu" và hành trình tìm yếu tố đồng điệu cho Haidilao
- Chuyện khởi nghiệp tuổi 40 của "Nữ hoàng váy cưới" Vera Wang
- Bí quyết kinh doanh của người xây dựng lên 'Tesla hai bánh' của châu Á
- Bỏ nghề môi giới bất động sản để dạy mọi người về tài chính, cô gái bỏ túi hơn 20 tỷ và nghỉ hưu ở tuổi 30
- Đến Mỹ với vỏn vẹn 500 USD trong túi, chàng trai "thất bại 7 lần, đứng lên ở lần thứ 8" trở thành triệu phú, sở hữu 100 căn nhà và nhiều siêu xe
- Tỷ phú Warren Buffett nhấn mạnh sai lầm lớn nhất mọi người thường mắc phải: Có tiền nhưng chưa biết dùng đúng cách
- 7 cái KHÔNG trong cách tiêu tiền của các tỉ phú: Bạn có bao nhiêu?
- Bỏ học trung học, xây dựng công ty 105 triệu đô
- Bí quyết làm giàu của Jeff Bezos không khó nhưng ít ai có thể làm theo: Lý do là 3 đặc điểm khác biệt của người giàu bậc nhất thế giới
Tags: Chuyện doanh nhân